Bất động sản Long An được hưởng lợi từ tiềm năng đô thị hóa và các dự án hạ tầng cùng chính sách thu hút nhà đầu tư.
Bước vào quý III/2022, thị trường Long An ghi nhận một loạt dự án lớn được chủ đầu tư giới thiệu với khách hàng, trong đó sản phẩm chủ yếu là nhà phố và biệt thự.
Tiềm lực tăng trưởng
Hầu hết các dự án này đều nằm kế cận tuyến đường Vành đai 3 đang được triển khai xây dựng. Có thể kể đến các dự án T&T Milennia, Elite Life tại Cần Giuộc, hay Imperia Grand Plaza và Dragon Pearl ở khu vực phía Tây.
Theo số liệu thống kê của DKRA Vietnam, trong 6 tháng đầu năm, phân khúc nhà phố, biệt thự TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 29 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 3.142 căn. Báo cáo cũng ghi nhận giá biệt thự trên thị trường sơ cấp tại TP HCM đã chạm mức 700 tỷ đồng một căn, còn tại Đồng Nai là 107 tỷ đồng một căn.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Nam Long cho biết thông qua khảo sát do đơn vị thực hiện, cho thấy mặt bằng giá nhà phố, biệt thự tại Long An đang ghi nhận từ khoảng 4-10 tỷ đồng một căn nhà phố, khoảng 12-20 tỷ đồng một căn biệt thự. Một số dinh thự hạng sang cũng có giá dao động từ khoảng 35-40 tỷ đồng một căn nhà thô và tùy thuộc vào vị trí, quy mô cũng như mức độ đầu tư tiện ích của dự án.
“Mặt bằng giá này thấp hơn nhiều so với thị trường TP HCM và các khu vực vùng ven khác nên thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm”, đại diện Nam Long nhận định.
Mặt khác, trong tương lai, Long An dự kiến quy hoạch đưa các vùng giáp ranh TP HCM như Bến Lức, Đức Hòa thành những đô thị vệ tinh hiện đại. Các chuyên gia nhận định, khi các địa phương này được nâng cấp lên thành phố, bất động sản sẽ được hưởng lợi lớn.
Điểm tựa từ đầu tư công và FDI
Hiện nay, tỉnh Long An phát triển hệ thống đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại và đô thị sinh thái, thông minh. Trong đó, Bến Lức trở thành đô thị vệ tinh của TP HCM, phát triển các dự án khu đô thị mới với kiến trúc hiện đại, đa chức năng. Đây sẽ là trục phát triển trọng điểm, kết nối xuyên suốt với TP HCM thông qua các trục giao thông như Quốc lộ 1, cao tốc TP HCM – Trung Lương, cao tốc Bến Lức – Long Thành, ĐT 830, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt…
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, Long An dự kiến chi đến 30.000 tỷ đồng cho hệ thống hạ tầng. Từ đầu năm 2022, một loạt dự án lớn đã được tỉnh khởi công xây dựng như đường Lương Hòa – Bình Chánh, Hựu Thạnh – Tân Bửu, ĐT 826E, ĐT 824… Các dự án khác như nâng cấp Quốc lộ 1, Vành đai 3, cao tốc Đức Hòa – Chơn Thành, metro Bến Thành – Tân Kiên… cũng dự kiến sẽ được khởi động trong thời gian tới, đóng vai trò là điểm tựa cho phát triển kinh tế, đô thị hóa và nâng tầm vai trò kết nối của Bến Lức với TP HCM.
Ngoài hàng loạt dự án hạ tầng lớn, Long An cũng đang đầu tư nhiều dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, tỉnh đang quy hoạch khu kinh tế rộng 3.200 ha xoay quanh cảng quốc tế Long An và danh mục 16 dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm gồm khu kinh tế cửa khẩu Long An (13.080 ha), khu công nghiệp Phú An Thạnh (1.000 ha), Việt Phát (918 ha), Prodezi (400 ha), khu tiếp nhận kho vận – logistics tại cảng quốc tế Long An (147 ha), trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức (10 ha)… Các dự án này sẽ là động lực phát triển công nghiệp, hứa hẹn thu hút thêm chuyên gia, kỹ sư và lao động trình độ cao đến làm việc, sinh sống.
Những năm gần đây, Long An cũng ghi nhận nhiều tín hiệu sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn thu hút trên 3,7 tỷ USD vốn FDI.